MENU

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 1 đến tuần thứ 40

Mẹ mang thai trước cả khi trứng được thụ tinh

Hành trình 40 tuần thai của mẹ đã bắt đầu khởi động ngay ở ngày bắt đầu kỳ kinh cuối. Tại sao lại là thời điểm này? Vì ngay cả các bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng khó có thể chỉ ra đâu là thời điểm chính xác mà trứng được thụ tinh. Nếu mẹ có chu kỳ kinh nguyệt dài 28 ngày và luôn diễn ra đều đặn, ngày rụng trứng và thời điểm thụ tinh sẽ diễn ra ở khoảng giữa chu kỳ. Nếu tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh, mẹ sẽ cần chờ đợi khoảng 2 tuần nữa.

Sau này, khi đi khám thai mẹ sẽ được nghe từ “tuổi thai”, đây là một phương pháp ước lượng tuổi thai dựa trên kỳ kinh cuối thay vì tuổi thực của thai nhi. Ví dụ, khi bác sĩ kết luận mẹ đang ở tuần thai thứ 7 và tuổi thai là 7 tuần thì tuổi thật của thai nhi chỉ xấp xỉ 5 tuần mà thôi.

Như vậy, ở tuần thứ 1, chúng ta chưa có nhiều điều để nói về sự phát triển của thai nhi, nhưng mẹ đừng quên việc chuẩn bị kỹ càng để “săn” thời điểm rụng trứng. Ngay sau khi trứng được thụ tinh, một sự sống mới đã hình thành và không ngừng phát triển trong mẹ.

Mẹ cần chuẩn bị gì?

Cần rất nhiều thứ để việc thụ thai xảy ra thành công, chẳng hạn như phải có hiện tượng rụng trứng xảy ra, chất lượng trứng và tinh trùng đều phải tốt. Để tăng khả năng mang thai, cần có sự giao hợp trong khoảng 72 giờ trước và 24 giờ sau khi trứng rụng, vì tinh trùng chỉ tồn tại không quá 72 giờ và trứng chỉ sống trong 24 giờ sau khi rụng.

Trước khi “gần gũi”, hãy nghiên cứu về sự rụng trứng để xác định cơ hội, tìm hiểu về tư thế giao hợp có thể giúp thụ thai nhanh hơn và giảm những lo lắng không cần thiết cho mẹ và bố. Mẹ hãy tìm hiểu xem cần bao lâu để thụ thai vì hầu hết các cặp vợ chồng phải cố gắng trong một thời gian trước khi thành công.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, nếu mẹ đang cố gắng để có thai, cần phải dừng ngay các thức uống có cồn, không hút thuốc và uống bất kỳ loại thuốc nào, ngay cả loại không cần kê toa, như vậy, cơ thể sẽ được duy trì ở điều kiện tốt nhất để chuẩn bị mang thai. Nếu đang uống thuốc theo toa, bạn hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên tiếp tục dùng thuốc hay không. Đừng quên uống vitamin tổng hợp có ít nhất 400 mg axít folic (tốt nhất nên bắt đầu uống ít nhất 3 tháng trước khi muốn mang thai) để giảm những nguy cơ dị tật bẩm sinh cho bé.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN THỨ 2

 

Mẹ tiến thêm một bước trong hành trình mang thai

Tuần này, cơ thể mẹ vẫn đang tích cực chuẩn bị để mang thai. Thời điểm hiện tại được xem là bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển của thai nhi sau này. Dù bé vẫn chưa thực sự xuất hiện, những quả trứng của mẹ vẫn đang tiếp tục phát triển để kịp chín vào ngày rụng trứng. Có khoảng 150 quả trứng sắp chín, nhưng chỉ 1 trong số chúng đạt được sự hoàn hảo vào đúng thời điểm rụng trứng xảy ra. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, 1 trong 2 buồng trứng sẽ thực hiện trách nhiệm giải phóng trứng. Quả trứng có kích thước chưa đến 1/100 cm nên chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Thai nhi 2 tuần tuổi

Một noãn chuẩn bị được phóng khỏi nang trứng

Mẹ cần chuẩn bị gì? 

Để chóng đón thiên thần nhỏ, không chỉ mẹ mà cả bố cũng phải chủ động và tích cực hơn trong tất cả mọi chuyện, từ việc ăn uống lành mạnh, từ bỏ những thói quen xấu cho đến việc lên kế hoạch hoàn hảo cho việc “yêu”.

Nên nhớ rằng, rụng trứng sẽ xảy ra ở khoảng 2 tuần trước ngày khởi đầu của chu kỳ kinh tiếp theo. Để dự đoán được thời điểm này, mẹ có thể dựa vào sự thay đổi của dịch âm đạo hoặc sự thay đổi của thân nhiệt. Một bộ công cụ dự đoán rụng trứng bán tại các nhà thuốc có thể sẽ rất cần thiết cho mẹ đấy!

Trong thời gian chờ đợi, mẹ nên giữ cho tinh thần thoải mái. Stress có thể làm chu kỳ kinh nguyệt mất đi sự đều đặn vốn có và ảnh hưởng tới quá trình rụng trứng.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN THỨ 3

Bé sẽ phát triển như thế nào?
Tuần này là khởi đầu thực thụ cho sự phát triển của thai nhi. Từ nay cho đến 10 tuần tuổi, tất cả các cơ quan trong cơ thể bé bắt đầu phát triển và một số bắt đầu hoạt động. Vì vậy, bé dễ bị tổn thương với bất cứ sự can thiệp vào quá trình phát triển của bé trong giai đoạn này.Ngay bây giờ bé là một phôi thai nhỏ bé, bao gồm hai lớp: nội bì và biểu bì, từ đó tất cả các cơ quan và bộ phận cơ thể của bé sẽ phát triển.

Nhau thai sơ khai cũng tạo thành hai lớp. Các tế bào của nhau thai tạo đường nối vào niêm mạc tử cung, tạo đường dẫn cho máu chảy để cuối tuần này khi nhau thai hoàn chỉnh, sẽ bắt đầu hoạt động và cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho bé.

Có mặt đồng thời là túi ối, ngôi nhà đầu tiên của bé cùng nước ối sẽ bao bọc bé cho đến khi lớn lên và túi noãn hoàng, trong đó sản sinh các tế bào hồng cầu, giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho đến khi nhau thai phát triển hoàn chỉnh sẵn sàng để tiếp nhận nhiệm vụ này.

Hãy thử que lần nữa: Nếu kết quả thử que là âm tính, bạn đừng vội thất vọng, kiên nhẫn đợi thêm khoảng 1 tuần và thử lại. Nên thử vào sáng sớm, ngay khi vừa ngủ dậy, kết quả sẽ chính xác nhất.

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 3

Nhau thai bắt đầu sản xuất hormone hCG. Phải đợi đến khi lượng hormone này tăng lên đủ mức thì que thử thai mới có thể phát hiện được, mẹ nhé

Thai nhi 3 tuần tuổi

Chính thức được hình thành, thai nhi 3 tuần tuổi có một kích thước khá khiêm tốn

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Tuần này, mẹ có thể biết mình có thai hay chưa? Để có kết quả chính xác nhất, mẹ nên đợi đến cuối tuần rồi hãy dùng que thử. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể thử bây giờ nếu muốn.
Nếu kết quả dương tính, nên đến bác sĩ để được kiểm tra chính xác hơn. Mẹ không nhất thiết phải đến gặp bác sĩ thường xuyên đến khi thai 8 tuần tuổi, trừ khi có vấn đề về sức khỏe, có vấn đề với lần mang thai trước hoặc đang có những triệu chứng bất thường.
Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, có chỉ định hoặc không kê toa, mẹ cần trao đổi với bác sĩ ngay để được tư vấn.

Nếu mẹ đã bổ sung axit folic 400 mcg/ngày trước khi mang thai, bây giờ sẽ cần nhiều hơn một chút, 600 mcg mỗi ngày.

6 tuần tiếp theo sẽ rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Nhau thai và dây rốn đã hoạt động để cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bé. Qua nhau thai, bé nhận những dinh dưỡng bạn đưa vào cơ thể mình, hãy chắc chắn bạn cung cấp những thứ tốt cho cả mình và bé.
Nếu kết quả thử que âm tính, hãy thử lại vào tuần sau nếu vẫn chưa thấy kỳ kinh. Nhiều kết quả thử nước tiểu không đủ để phát hiện ra sự thụ thai ở tuần thứ 3.

Nếu bạn cố gắng để có thai nhưng chưa thành công trong một năm hoặc hơn (hoặc 6 tháng nếu bạn trên 35 tuổi), nên gặp bác sĩ kiểm tra cho cả vợ và chồng để tìm hiểu các vấn đề về khả năng sinh sản. Nên tìm hiểu vấn đề càng sớm càng tốt để giúp bạn bắt đầu việc điều trị và sớm có thai.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN THỨ4

Mẹ có thể tiếp tục hoặc bắt đầu tập thể dục. Vận động sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe và sức chịu đựng vì số cân nặng của bạn sẽ tăng. Thể dục cũng giúp ngăn ngừa một số chứng đau nhức của thai kỳ. Trong vài tháng tới, nhiều phụ nữ thấy rằng đó là một cách giảm stress tuyệt vời. Việc này cũng có thể giúp mẹ sinh nở dễ dàng và ít đau đớn hơn.

Ngoài ra, mẹ sẽ phục hồi dễ dàng hơn sau khi sinh con nếu tiếp tục một số bài tập thể dục phù hợp trong suốt thai kỳ. Nên chọn những hoạt động an toàn và vừa phải, bạn có thể cân nhắc môn đi bộ và bơi lội, rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Giảm đau ngực: Nếu bạn cảm thấy đau ngực trong giai đoạn này, bạn nên xếp gọn những áo ngực hiện tại lại, tìm mua các loại áo ngực mềm mại, không có gọng sắt hoặc áo ngực thể thao để tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu khi mặc.

Nên làm trong tuần này:
Chọn một bác sĩ sản khoa uy tín và đặt lịch hẹn khám. Ghi lại ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối để bác sĩ có thể xác định ngày sinh dự kiến và viết ra danh sách các câu hỏi cần biết.
Mẹ nên tìm hiểu về bệnh lý của gia đình hai bên. Bác sĩ sẽ hỏi để biết về các bệnh mãn tính hoặc những bất thường di truyền trong gia đình.

Bé phát triển như thế nào?
Sâu trong tử cung, phôi thai đang tăng trưởng mãnh liệt. Tại thời điểm này, bé có kích thước của một hạt mè và trông giống như một con nòng nọc nhỏ hơn một con người, gồm có ba lớp: ngoại bì, trung bì và nội bì, để hình thành tất cả các cơ quan và mô cho cơ thể bé sau này.

Ống thần kinh, từ đó não bộ của bé, tủy sống, dây thần kinh và xương sống sẽ hình thành, bắt đầu phát triển ở ngoài cùng, được gọi là ngoại bì. Lớp này cũng sẽ tạo ra da, tóc, móng, tuyến vú, mồ hôi, và men răng cho bé.

Thai 4 tuần tuổi

Bé yêu chỉ mới to bằng một hạt mè thôi mẹ nhé

Tim và hệ tuần hoàn bắt đầu hình thành ở tầng giữa, hay còn gọi là trung bì. Trên thực tế, trái tim nhỏ bé của bé bắt đầu phân chia thành các ngăn và bắt đầu đập và bơm máu. Tầng trung bì cũng sẽ hình thành cơ bắp của bé, sụn, xương, và mô dưới da.

Lớp thứ ba, hay nội bì, sẽ là nơi của phổi, ruột và hệ thống tiết niệu thô sơ, cũng như tuyến giáp gan và tuyến tụy của bé. Trong lúc đó, nhau thai và dây rốn cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bé, đã hoạt động.

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Mẹ có thể nhận thấy một số khó chịu khi mang thai. Nhiều phụ nữ mang thai bắt đầu bị đau ngực, mệt mỏi và đi tiểu thường xuyên trong những tuần đầu. Mẹ cũng có thể buồn nôn ở tuần này, mặc dù thông thường triệu chứng này sẽ xuất hiện trong vài tuần tới.
Những người xung quanh sẽ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự phát triển đang diễn ra bên trong bạn. Nhưng mẹ cũng phải kiêng những thứ có hại cho sự phát triển của bé như rượu, bia…

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 4

Bộ ngực trở nên mềm, gia tăng kích thước và dễ bị đau là một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN THỨ 5

Sự phát triển của thai nhi
Sự phát triển chính của tuần này là mũi, miệng và tai. Một cái đầu quá khổ và những đốm sẫm màu nơi mắt và lỗ mũi của bé bắt đầu hình thành. Tai của bé được đánh dấu bằng chỗ lõm nhỏ ở hai bên đầu và tay chân bé như những chồi non đang nhú ra. Tim bé đập khoảng 100 đến 160 lần một phút, gần gấp đôi nhịp tim người lớn, và máu bắt đầu lưu thông khắp cơ thể bé. Ruột cũng đang phát triển và các chồi mô hình thành phổi đã xuất hiện. Tuyến yên cũng như phần còn lại của bộ não, cơ bắp và xương đang hình thành.

Thai 5 tuần tuổi

Tuần này, bé to bằng một hạt táo rồi đấy!

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Bạn có thể nhận thấy tính cách mình đang có chút thay đổi, bạn có thể ủ rũ cả ngày và hôm sau vui vẻ như chưa từng có gì xảy ra. Những gì bạn đang trải qua là bình thường, không đáng lo, nhất là khi bạn tự hào là có thể kiềm chế bản thân. Những cảm xúc bộc phát một phần do sự thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra, cuộc sống của bạn đang có sự thay đổi lớn, cũng gây ra sự xúc động và áp lực.
Những vết máu hoặc chảy máu thường xảy ra vào giai đoạn đầu, phổ biến ở khoảng một phần tư số phụ nữ mang thai. Có thể là bình thường nhưng đôi lúc là dấu hiệu ban đầu của việc sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung. Hãy đến bác sĩ ngay nếu bạn thấy những dấu hiệu trên.

Bổ sung vitamin bằng nhiều cách: Nếu các viên uống vitamin bổ sung trong thai kỳ làm bạn phát ngán, nên lựa chọn các hình thức bổ sung khác như ăn các loại trái cây, salad, bổ sung rau củ vào bữa ăn. Việc này sẽ giúp lượng vitamin của bạn vẫn đầy đủ và bạn cũng tìm được niềm vui trong việc ăn uống.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN THỨ 6

Bé phát triển như thế nào?
Trong tuần này, bàn tay và bàn chân bé đang nhô ra từ cánh tay và cẳng chân, trông khá giống những mái chèo. Thật ra, bé vẫn chỉ được coi là một phôi thai và còn dấu tích của một cái đuôi nhỏ, là phần nối dài của xương cụt. Cái đuôi sẽ biến mất trong vài tuần và đó là phần duy nhất sẽ nhỏ lại. Bé đã tăng gấp đôi kích thước kể từ tuần trước và dài hơn 1cm.

Thai 6 tuần tuổi

Thai 6 tuần tuổi có kích thước tương tự một hạt đậu hòa lan

Nếp gấp mí mắt đang che một phần mắt của bé. Bố mẹ đã có thể thấy màu mắt của con mình, cũng như chóp mũi và tĩnh mạch nhỏ dưới lớp da mỏng manh. Cả hai bán cầu não của bé đang phát triển, và gan đang tạo ra tế bào hồng cầu cho đến khi tủy xương hình thành và đảm nhận vai trò này. Bé cũng đã có ruột thừa và tuyến tụy, nơi sẽ tạo ra hormone insulin. Một đoạn ruột của bé phát triển thành dây rốn, có mạch máu riêng biệt để mang oxy và chất dinh dưỡng đến và chất thải đi từ cơ thể nhỏ bé của bé.

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Tử cung đã tăng gấp đôi kích thước trong năm tuần qua. Việc ăn uống có thể khó khăn do ốm nghén thường xuyên.

Mẹ có thể đi tiểu nhiều hơn bình thường do khối lượng máu tăng và lượng chất lỏng thận cần xử lý tăng. Lúc này mẹ đã tăng khoảng 10% lượng máu so với trước khi mang thai. Và ở cuối thai kỳ, lượng máu sẽ tăng khoảng 40 đến 45% để đáp ứng nhu cầu của bé. Do tử cung lớn hơn gây áp lực lên bàng quang cũng khiến bạn muốn đi vệ sinh nhiều hơn

Khoảng nửa số phụ nữ cảm thấy buồn nôn trong 3 tháng đầu thai kỳ và hết ở tuần thứ 14. Thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng cả tần suất và lượng nước tiểu có xu hướng tăng lên trong thời kỳ mang thai.

Gợi ý cho tuần này:
Mẹ hãy chụp hình để lưu giữ lại những ngày tháng đầu tiên khi bước vào thai kỳ. Nên chụp hình trước khi bụng bắt đầu lớn. Sau đó tiếp tục chụp mỗi tháng một lần cho đến khi bé chào đời. Đây là cách tuyệt vời để theo dõi quá trình mang thai, và bạn sẽ có nhiều kỷ niệm. Để album hình đặc biệt hơn, bạn hãy mặc cùng một trang phục, đứng ở cùng một vị trí, và tạo dáng cùng một tư thế cho các bức ảnh. Hình trắng đen hoặc bán khỏa thân sẽ đẹp và đặc biệt hơn.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN THỨ 7

Sự phát triển của thai nhi
Bắt đầu xuất hiện những ngón chân và tay có màng phát triển từ bàn tay và bàn chân của bé. Bé có mí mắt, ống thở kéo dài từ cổ họng đến các nhánh của phổi đang phát triển và “đuôi” của bé dần biến mất. Các tế bào thần kinh đang phân nhánh ra để kết nối với nhau, tạo thành hệ thần kinh sơ khai. Bộ phận sinh dục của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ để bộc lộ giới tính là trai hay gái. Bé có kích thước của một quả mâm xôi và đang liên tục phát triển và thay đổi, mặc dù bạn vẫn chưa cảm nhận được.

Thai 7 tuần tuổi

Đang trong đà phát triển mạnh mẽ, thai 7 tuần tuổi đã to bằng một quả mâm xôi

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Mẹ bắt đầu cảm thấy áo ngực của mình bị chật khít. Cần thay cỡ áo lớn hơn rồi mẹ ạ. Sự gia tăng nội tiết tố sẽ khiến ngực phát triển để chuẩn bị cho con bú. Ngực của mẹ sẽ tiếp tục lớn hơn một đến 2 cỡ trong thời gian mang thai, nhất là khi bạn mang thai bé đầu tiên.
Ngoài ra, mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi. Đó là do sự thay đổi hormone, nhất là sự tăng progesterone đột ngột. Tình trạng nôn ọe thường xuyên cũng khiến mẹ mất năng lượng. Thỉnh thoảng, mẹ có thể bị khó ngủ vào ban đêm, nhất là khi bạn cần phải đi vệ sinh nhiều lần.

Đi bộ để chống mệt mỏi: Bạn nên dành ra 15 đến 20 phút đi bộ để giảm bớt cảm giác mệt mỏi trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đừng vì cảm thấy mệt mà bỏ việc đi bộ nhé, càng đi, bạn sẽ càng khỏe hơn đấy.

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 7

Mệt mỏi, buồn nôn và thèm ăn hoặc chán ăn đều là các biểu hiện của ốm nghén

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN THỨ 8

Sự phát triển của thai nhi
Thành viên mới của gia đình đã dài khoảng 2,5cm, cỡ một quả nho Mỹ và nặng chỉ vài gram. Hình hài của bé phát triển đầy đủ hơn. Các chi của cơ thể đã hình thành đủ, nhưng cần trải qua nhiều giai đoạn để hoàn thiện trong những tháng tiếp theo. Những phát triển trong tuần này: tim đã hoàn thành việc phân chia thành bốn ngăn, và các van tim bắt đầu hình thành. Phần đuôi của phôi thai hoàn toàn biến mất. Các cơ quan nội tạng, cơ bắp và thần kinh đã định hình. Cơ quan sinh dục đã xuất hiện nhưng chưa thể phân biệt được giới tính của bé trong vài tuần tới. Đôi mắt của bé đã hình thành đầy đủ nhưng mí mắt vẫn đóng chặt cho đến 27 tuần tuổi. Bé có dái tai nhỏ và miệng, mũi, lỗ mũi cũng định hình rõ hơn. Nhau thai đã phát triển đầy đủ để đảm nhận chức năng quan trọng là sản sinh hormone. Sinh lý cơ bản của bé đã sẵn sàng và bé sẽ tăng cân nhanh chóng

Thai nhi 8 tuần tuổi

Thai nhi 8 tuần tuổi có kích thước bằng một trái nho

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Mẹ vẫn chưa có hình dáng của bà bầu mặc dù phần eo có đầy đặn hơn. Mẹ cũng đã cảm nhận về việc mang thai nhiều hơn, không chỉ vì bị ốm nghén và những triệu chứng thể chất khác mà còn về cảm xúc.

Thay đổi tâm trạng thường xuyên là điều hoàn toàn bình thường khi mẹ thấy phấn khởi xen lẫn sợ hãi về việc sắp “lên chức”. Hãy cố gắng tránh cảm giác uể oải. Hầu hết phụ nữ thấy ủ rũ trong khoảng sáu đến mười tuần đầu tiên, sau đó giảm bớt trong tam cá nguyệt thứ hai và lại xuất hiện khi thai kỳ sắp kết thúc.

Gợi ý cho tuần này: 
Bắt đầu một thói quen hàng ngày để kết nối với bé. Hãy dành 2 lần mỗi ngày, khoảng năm đến mười phút để nghĩ về bé, tốt nhất là sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Trong những lúc này, hãy ngồi lặng yên, nhẹ nhàng đặt tay lên bụng, tập trung vào hơi thở của mẹ và bắt đầu nghĩ về bé với những hy vọng, mơ ước, dự định cho tương lai… Đây là cách tuyệt vời để khởi đầu quá trình gắn kết và giúp mẹ hình dung cụ thể mình sẽ nuôi dạy con và trở thành một bà mẹ như thế nào.

Thai nhi 12 tuần có gì đặc biệt?

Bước qua giai đoạn đầu tiên của thai kỳ, thai nhi 12 tuần có vóc dáng hoàn chỉnh và đang dần cứng cáp. Mẹ bầu có thể dần dà cảm nhận được sự hiện diện diệu kỳ của con ở đầu tử cung, trên xương mu. Vào lần khám thai và siêu âm định kỳ ở thời gian 12 tuần thai, bác sĩ đã có thể nghe được tim thai bằng những trang thiết bị đặc biệt. Các cơ quan giới tính của thai nhi lúc này bắt đầu trở nên rõ ràng hơn.

Sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi

12 tuần tuổi, thai nhi có kích thước bằng một quả mận, với chiều dài 5,3 cm và cân nặng trong khoảng 14g

Sự phát triển của thai nhi 16 tuần

Vào thời điểm này, thai nhi đã to bằng một quả bơ và có thể nằm lọt trong lòng bàn tay mẹ. Bé cưng khá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và rất hay bị nấc cụt. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo nhé! Thai nhi nấc cụt là dấu hiệu cho thấy khả năng hít thở của bé đang dần hoàn thiện hơn. Cảm nhận về  đầu tử cung bên dưới rốn khoảng 4,5 cm đã trở nên khá rõ ràng. Mắt bé đã có thể chớp và tim cùng với các mạch máu đã hoàn toàn định hình. Các ngón tay và ngón chân của bé cũng đã có vân.

Sự phát triển của thai nhi 16 tuần

16 tuần tuổi, bé cưng nặng khoảng 99 g và có chiều dài khoảng 11,6 cm

Sự phát triển ở 20 tuần tuổi

Thai nhi bắt đầu nặng gần 300 gram và dài hơn 15 cm. Bé con đã khá lớn rồi mẹ ơi! Tử cung của bạn lúc này có thể ở ngang vị trí với rốn. Thai nhi khi này có thể mút ngón tay, ngáp, duỗi và làm các khuôn mặt khác nhau. Sớm thôi, mẹ sẽ nhanh chóng cảm nhận được chuyển động của con trong bụng. Khoảnh khắc con yêu biết đạp quả thật vô cùng xúc động và diệu kỳ!

Sự phát triển của thai nhi 20 tuần tuổi

Bước sang tháng thứ 5 của thai kỳ, thai nhi có kích thước tương đương một quả chuố

Sự phát triển của thai nhi ở 24 tuần tuổi

Giờ đây, bé cưng đã có thể phản hồi với các thanh âm bằng cử động hoặc tăng nhịp tim. Bé có thể hiểu được những lời mẹ thủ thỉ mỗi ngày. Cơ thể thai nhi cũng đã phát triển đầy đủ các chức năng. Khuôn mặt cũng gần giống với lúc chào đời, với đầy đủ lông mi, lông mày, tóc.

Sự phát triển của thai nhi tuần 24

Thai nhi tuần thứ 24 có kích thước tương đương một quả dưa lưới, nặng khoảng 500 gram và dài khoảng 29 cm

Sự phát triển của thai nhi ở 28 tuần tuổi

Thai nhi nặng khoảng hơn 1kg và thay đổi vị trí thường xuyên vào thời điểm này. Vào tuần thai thứ 28, tức là mẹ bầu đang ở cuối tam cá nguyệt thứ 2 và chuẩn bị “cán đích”, nguy cơ sinh non rất dễ xảy ra. Mẹ bầu nên cực kỳ cẩn thận với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mình để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ lẫn con. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, ngay lập tức báo với bác sĩ để được thăm khám.

Khả năng sống sót của bé con nếu “bất đắc dĩ” phải chào đời sớm ở 28 tuần tuổi cũng thuộc dạng khá cao. Tuy nhiên, cẩn tắc vô áy náy, mẹ bầu nên đăng ký tham gia các khóa học tiền sản để trang bị thêm kiến thức bảo vệ 2 mẹ con khỏi những tác động gây hại từ bên ngoài.

Sự phát triển của thai nhi tuần 28

So với tuần 27, thai nhi tuần 28 đã tăng thêm 100 gram và có kích thước tương đương một trái cà tím

Thai nhi 32 tuần tuổi phát triển thế nào?

32 tuần tuổi, thai nhi nặng gần 2 kg và thường xuyên di chuyển xung quanh. Da của em bé ít có nếp nhăn hơn do có một lớp chất béo bắt đầu hình thành dưới da. Từ thời điểm này cho đến khi sinh, thai nhi sẽ đạt thêm nửa trọng lượng tương tự lúc chào đời. Đây là lúc bạn nên hỏi bác sĩ cách làm biểu đồ chuyển động của bào thai. Hầu hết các mẹ bầu đều đi khám bác sĩ mỗi hai tuần ở giai đoạn này của thai kỳ.

Thêm một lưu ý về cơ thể mẹ bầu ở tuần thai thứ 32:  Bạn có thể nhận thấy chất lỏng màu vàng rỉ ra từ vú. Đó chính là sữa non, và đó là dấu hiệu cho thấy ngực của bạn đã sẵn sàng cho “công tác” sản xuất sữa nuôi bé. Đừng quên tham khảo thêm thông tin về những bí kíp tăng sữa mẹ.

Sự phát triển của thai nhi tuần 32

32 tuần, thai nhi có kích thước tương đương một quả bí đỏ nhỏ

Sự phát triển của thai nhi ở 36 tuần tuổi

Trung bình, một em bé ở giai đoạn này “cao” khoảng 47 cm và nặng gần 2,7 ký. Não phát triển rất nhanh. Phổi phát triển gần như đầy đủ. Lúc này đầu của thai nhi thường nằm ở vị trí xương chậu. Khi đã qua 37 tuần, việc mang thai và các giai đoạn phát triển của thai nhi  có thể được xem là  “đến hạn”. Khoảnh khắc mẹ và bé gặp nhau sẽ nhanh đến thôi.

Sự phát triển của thai nhi tuần 36

To bằng một trái dưa gang, khuỷu tay, chân và đầu của thai nhi có thể nổi trên bụng mẹ khi bé con vươn tay, chân

Ngày dự sinh của mẹ được ghi dấu vào ngày kết thúc tuần thứ 40. Ngày sinh được tính bằng cách sử dụng ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của người mẹ. Dựa vào cách này này, thai kỳ có thể kéo dài giữa 38 và 42 tuần với ngày sinh “đáo hạn” khoảng 40 tuần.

Một số trường hợp có tình trạng thai phụ mang thai hơn 42 tuần nhưng không phải sinh trễ mà thật ra là do tính ngày dự sinh không chính xác. Vì lý do an toàn, hầu hết các bé được sinh khi đủ 42 tuần. Đôi khi cần thiết, bác sĩ có thể phải kích sinh cho bạn.

Sinh con

Mới ngày nào còn là hạt mầm bé xíu, giờ bé cưng to lớn và khỏe mạnh hơn, sẵn sàng để “diện kiến” bố mẹ.

18:45:16 - 11/08/2016
X